In trang này

Đầu tư bằng kim cương

Tại các nước phát triển, kim cương còn được biết đến như là sự đầu tư thông minh để phục vụ cho việc đánh giá cao trị giá của phương tiện tài chính.

Kim cương gắn liền với cái đẹp, thẩm mỹ và là đồ trang sức quý giá. Hiện nay, nhiều nước phát triển ở phương Tây còn dùng kim cương để đầu tư.

Những viên kim cương để đầu tư là những viên kim cương đã được mài hoàn chỉnh thành đá quý với trọng lượng từ 1 carat và lớn hơn với chỉ số giá trị cao hơn và cao nhất trong bảng thanh độ về màu sắc và độ sạch. Đây là những viên kim cương đầu tư với chất lượng cao nhất.

Tuy thanh khoản của kim cương không bằng vàng nhưng mức lợi nhuận hấp dẫn nhiều nhà đầu tư không kém gì vàng. Hầu hết nguyên liệu vật chất kim cương khai thác được tính giá trị tăng trưởng hàng năm từ 3-7%/năm. Tuuy nhiên nhóm kim cương đầu tư có giá trị tăng trưởng cao hơn và trung bình là trong khoảng từ 10 đến 18%/năm.

Trong 12 tháng trở lại đây, giá trung bình của một viên kim cương loại 1 carat F màu trắng bạc đã tăng 38%, do biến động bất thường của các thị trường tài chính, khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro, sự suy yếu của đồng USD và tình trạng lạm phát gia tăng.

Nhu cầu kim cương, nhất là kim cương đã được cắt gọt, đang bùng nổ ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Tập đoàn đá quý hàng đầu thế giới De Beers cho biết, lợi nhuận của hãng này đã tăng gấp đôi trong vòng 6 tháng đầu năm nay. De Beers dự kiến đến cuối năm 2012 công suất khai thác kim cương của hãng này tại khu vực Nam châu Phi sẽ đạt mức tối đa. Cũng như vàng, kim cương đang trở thành mặt hàng đầu cơ khá phổ biến đối với các nhà đầu tư.

Liệu kim cương có thể trở thành kênh đầu tư hữu hiệu tại Việt Nam giống như một số nước trên thế giới?
Khoảng 2 năm trở lại đây, một số nhà đầu tư ở Việt Nam đã "đặt tình yêu" của mình vào kim cương. Theo Doanh nhân Sài Gòn, Bà Ngọc, chủ một doanh nghiệp lớn tại TP. HCM cho biết bà mua kim cương vừa nhằm thỏa mãn sở thích trang sức, đồng thời đây cũng chính là tài sản “bảo chứng” vô cùng giá trị cho tài sản của mình, cao hơn bất động sản và vượt xa so với vàng.

Tuy nhiên, theo nhận định của bà Nguyễn Ngọc Tú, Phó giám đốc Công ty Kim cương Kita trên Doanh nhân Sài Gòn cách đây một năm, kim cương chưa bao giờ được coi là kênh đầu tư, chỉ được coi là kênh bảo toàn tài sản. Và thị trường kim cương mỗi năm của Việt Nam vẫn chỉ được coi là thị trường ngách với doanh số trên 200 triệu USD mỗi năm.

Nhìn xa hơn, bà Tú cho rằng, ngay cả doanh số thị trường kim cương thế giới nói là lớn, nhưng cũng chỉ khoảng 60 tỷ USD/năm, chưa bằng doanh số bán ra một quý của Walmart.

Tính bảo toàn của kim cương tại Việt Nam còn thể hiện ở chỗ Việt Nam không bao giờ xuất khẩu kim cương ra, vì đó là kênh để dành. Những người sử dụng kim cương là người dân, chứ không phải doanh nghiệp. Bà Tú cũng cho biết, ngay cả công ty của bà cũng chỉ nhập vào, chứ không bán ra.
Đánh giá bài này
(0 bình chọn)